Nông sản miền Tây kém cạnh tranh vì thiếu trung tâm logistics

09, 04/2021

Thiếu cảng biển nước sâu, hệ thống kho bãi… khiến chi phí vận chuyển gia tăng, kìm hãm sự phát triển, giảm năng lực cạnh tranh của nông sản miền Tây.

Đó là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm về logistics cho nông sản miền Tây tại Hậu Giang, ngày 9/4. Những điểm hạn chế trên dẫn đến thực trạng nông sản ở vùng này bị gánh nặng về chi phí logistics.

"Chi phí logistics hiện tại chiếm cao nhất và bất hợp lý, cụ thể là lên đến 30% giá thành sản phẩm, khiến cho nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc... ", ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang nói.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, chi phí logistics tạo điểm nghẽn cho trái cây tươi xuất khẩu. "Xuất khẩu một kg thanh long sang Nhật bằng đường hàng không với tiền vận chuyển tăng lên gần 6 USD", bà Vy cho biết.

Nữ doanh nhân cho rằng cần làm tốt khâu bảo quản sau thu hoạch cho trái cây thì mới xuất khẩu bằng đường biển, giảm chi phí. Đồng thời, các bộ ngành cần quan tâm đầu tư đúng mức cho hạ tầng ở miền Tây.


Bốc dỡ hàng tại cảng Cái Cui ở Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long


Đồng bằng sông Cửu Long góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hàng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của vực này đến hàng chục triệu tấn.

Toàn vùng hiện có 7 cảng biển. Trong đó, lớn nhất là cảng quốc tế Long An có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 tấn. Kế đến là cảng Cái Cui ở Cần Thơ, có khả năng đón tàu 20.000 tấn. Ngoài ra, miền Tây còn có 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy.

Các chuyên gia cho rằng, hiện trạng giao thông thủy bộ, hàng không trên địa bàn này có mật độ dày và phát triển đều khắp nhưng chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ trong toàn hệ thống, làm hạn chế tải trọng các phương tiện vận chuyển đường thủy; đặc biệt là luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.

Hiện đường vào các cảng trên sông Hậu có hai luồng. Nhưng luồng Định An mấy năm qua không được nạo vét, hiện chỉ tàu 3.000 tấn ra vào được. Còn luồng kênh Quan Chánh Bố cũng chỉ đáp ứng tàu 7.000-10.000 tấn. Kênh này đang bị bồi lắng hai đầu (phía biển và giáp với sông Hậu).

Đồng thời, kênh Quan Chánh Bố chỉ vận hành một chiều, các tàu chở hàng ra vào phải nằm chờ. Đoạn giữa kênh cong và chưa có kè chắn sóng nên tàu không thể chạy nhanh để tránh tình trạng sóng tràn vào vùng nuôi thủy sản của người dân. Vì thế, thời gian qua, tàu đi qua 26 km kênh này thường mất một ngày.

Lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng vùng kinh tế trọng điểm này còn thiếu cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu chở container xuất khẩu. Đồng thời, miền Tây cũng thiếu các trung tâm logistics và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn...

Hàng hóa nông sản phải vận chuyển lên TP HCM và miền Đông Nam Bộ để xuất đi các nơi. Trong khi đó, một số cảng trọng điểm tại những nơi này thường xuyên quá tải, dẫn đến phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng...

"Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, duy tu kênh Quan Chánh Bố, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải lớn (10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải) ra vào các cảng biển trên sông Hậu", ông Võ Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang nói và cho biết đây là vấn đề "sinh tử" với sự phát triển ngành dịch vụ logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, theo ông Phong, cần mở rộng và nạo vét kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) trên tuyến thủy lộ quốc gia, huyết mạch nối TP HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đảm bảo cho sà lan trọng tải trên 3.000 tấn hoặc sà lan chở trên 120 container 20 feet chạy hai chiều không phụ thuộc vào con nước lớn ròng. Từ đó, thời gian vận tải sẽ được rút ngắn và giảm chi phí vận tải hàng hóa.

Tại hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long hồi tháng 3 ở Cần Thơ, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100.000 tấn tại Sóc Trăng, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, phục vụ phát triển miền Tây.

Nguồn: Cửu Long

Tin liên quan

3007/2021

Công ty Cổ phần Đầu tư U&I (Unigroup) trao 10 máy ...

Xem Chi Tiết
3007/2021

JinkoSolar và Maersk bắt tay phát triển logistics số hóa

Xem Chi Tiết
2807/2021

Sản lượng container tại cảng Việt Nam tăng 21% trong 6 tháng đầu năm

Xem Chi Tiết